Những năm gần đây, sự
phát triển nhanh về kinh tế của các tỉnh, thành đã hình thành lên những khu
kinh tế trọng điểm thu hút được khá đông lao động từ khắp mọi miền đất nước đổ
về. Đi kèm với nó là số lượng con em của những công nhân lao động nhập này cũng
tăng lên không ngừng. Ngoài khó khăn về nhà ở, về quản lý trật tự an ninh xã hội
thì vấn đề giáo dục cũng gây áp lực lớn cho địa phương, nhất là giáo dục mầm
non.
Trên địa bàn các khu
kinh tế này, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục thì số lượng các trường mầm
non, nhà giữ trẻ tư nhân có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với
những trẻ là con em của công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa
bàn. Vậy nên, việc xuất hiện nhiều cơ sở mầm non không đảm bảo cả về chất lượng
đào tạo cũng như thiếu những giáo viên có trình độ: trung cấp sư phạm mầm non hoặc cao hơn là điều dễ hiểu.
Qua các đợt thanh, kiểm
tra của các cơ quan chức năng thì đều phát hiện các cơ sở mầm non không đảm bảo
chất lượng, không đạt chuẩn giáo dục, có những điểm khảo sát nhiều lần cũng vẫn
thấy những vi phạm, thiếu sót nhưng
không hề được sửa đổi. Cá biệt có những cơ sở còn chưa được cấp phép hoạt động
cũng đã tổ chức nuôi dạy cho hàng trăm trẻ nhỏ. Xuất hiện tình trạng trên thì
nguyên nhân chính cũng là do cơ quan quản lý xử “nhẹ tay” để giảm bớt áp lực về
nuôi giữ trẻ cho lượng lớn các gia đình là công nhân lao động làm việc tại địa
phương.
Có một thực tế là hầu
hết các công nhân lao động đều muốn gửi con mình vào những cơ sở mầm non đạt
chuẩn, chính quy. Nhưng rất khó cho họ có thể xin cho trẻ vào những cơ sở này,
một mặt vì chi phí quá cao và do thủ tục xin gửi trẻ còn nhiều bất cập, phiền
hà, hoặc do những cơ sở đó cũng chưa phục vụ đủ cho yêu cầu của người dân địa
phương khiến họ phải từ chối những trẻ này. Trong khi đó, việc xin gửi trẻ vào
những cơ sở mầm non thiếu chuẩn lại rất dễ dàng và chi phí lại thấp nên nhiều
phụ huynh là CNLĐ chọn giải pháp gửi con vào nhà trẻ này để có thời gian đi làm
lo cho cuộc sống của cả gia đình dù trong lòng họ còn rất nhiều lo lắng về những
cơ sở này.
Thiết nghĩ, trước những
vấn đề cấp bách này, ngành GDĐT và chính quyền địa phương cần có những giải
pháp tốt hơn cho vấn đề giáo dục mầm non và nhà trẻ tư nhân. Để lĩnh vực này hoạt
động ngày càng nền nếp và phát triển đúng mục tiêu, ngành GDĐT và chính quyền địa
phương phải có giải pháp quản lý chặt hơn, cương quyết với những hiện tượng vi
phạm. Song song đó, ngành GDĐT và chính quyền địa phương cũng cần có phương án
tốt hơn để đảm bảo cho mọi trẻ em đều được nuôi giữ, học tập tại những cơ sở
giáo dục an toàn, chất lượng, yêu cầu về trình độ sư phạm mầm non của những người hoạt động kinh doanh hoặc đứng đầu
các cơ sở này phải ngày một cao. Có như vậy, những công nhân lao động này mới
có thể yên tâm làm việc và cống hiến cho sự phát triển của những khu kinh tế
này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét