Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Làm thế nào để biết con bị bạo hành


Bằng cách quan sát và giao tiếp với con hàng ngày, bố mẹ có thể phát hiện sớm việc con bạo hành, trước khi video phóng viên quay lén được tung ra.


Những bí quyết dưới đây có thể áp dụng với các bé 2,5 – 3 tuổi, các bé đã biết nói, để bố mẹ hiểu hơn suy nghĩ, cảm xúc của con, những điều diễn ra ở trường và nhận biết sớm những dấu hiệu con bị bạo hành .






1. Tìm hiểu xem con có thích đi học không


Điều này không quá khó để nhận biết. Với nhiều bé, chỉ đưa ra một số câu hỏi, bố mẹ đã biết câu trả lời: “Con có thích đi học không”, “Vì sao con thích?” “con thích đi học hay thích ở nhà” “ngày mai con có đi học không?”


Những dấu hiệu khác như: con có vui vẻ khi đi học buổi sáng không, con có đòi ở nhà không, khi đến trường con có khóc không… là điều bố mẹ dễ dàng nhận ra.


Nhiều người lớn có thể cho rằng “trẻ con thì biết gì” để nói về những lý do chúng thích hay không thích cái gì đó. Thực tế với con mình cho tôi thấy, đa phần thái độ, hành vi của con đều có lý do.


Chẳng hạn như, con gái tôi thường tránh ra mỗi khi dì đến chơi, mặc dù dì rất yêu con và thích ôm hôn con.


Tôi hỏi con: “Tại sao dì đến, con không lại chơi với dì?”


- Tại con không thích
- Tại sao con không thích dì?
- Vì dì hay hôn con lung tung (nói rồi chỉ tay vào khắp măt) đây này, đây này, đây này.
- Con không thích dì hôn thế hả. Thế con có nói với dì không?
- Con không nói.
- Con không nói thì dì không biết được là con không thích. Lần sau con nói với dì thế nào nhỉ?


Thường xuyên trao đổi với con về lý do con thích/ không thích việc gì đó, nơi nào đó, ai đó… là cách hay và đơn giản để con biết tư duy, lập luận, biết bày tỏ ý kiến của mình, giúp bố mẹ hiểu con hơn. Khi bố mẹ biết nguyên nhân của những hành vi, cảm xúc của con, bố mẹ cũng có cách ứng xử hợp lý với từng tình huống.


Nếu chịu khó quan sát và biết cách giao tiếp với con, bố mẹ có thể phát hiện ra việc con bị bạo hành. Ảnh minh họa: Internet.


2. Cách hỏi con về một ngày ở trường


Bên cạnh hỏi con có vui không, con chơi với bạn nào, con ăn món gì, có ngon không… hãy hỏi “con có bị đánh không”, “cô giáo có quát con không”, “có bạn nào không chịu ăn/ không chịu ngủ không”, “bạn không chịu ăn/ không chịu ngủ thì cô nói gì/ cô làm gì?”


Tôi giải thích và minh họa cho con biết “bị đánh” là như thế nào: giả vờ giơ tay lên, đánh vào mông, chân, dùng một cái roi đánh, cấu, bẹo má… Tương tự như vậy, “quát là nói to, hét to” và “diễn” cho con thấy quát là như thế nào, nói nhẹ nhàng thì khác ra sao.


Tôi thích được nhìn thấy nét mặt của con gái mỗi khi mẹ hỏi như vậy. Con mở to mắt ra ngạc nhiên nhìn mẹ, lắc đầu nguầy nguậy:” “Đánh á, không đâu!”


Một lưu ý nhỏ là chúng ta cũng không nên quá nhấn mạnh vào việc hỏi con bị đánh, mắng ở trường không, tránh tạo cho con ấn tượng không tốt, đặc biệt khi con thích đi học và vui vẻ khi về nhà. Sau này, khi con đã biết cách kể chuyện cho bố mẹ, những câu như “ở trường vui không con”, “cô giáo làm gì”, “các bạn làm gì”… đã có thể khơi gợi câu chuyện của con rồi.


3. Con có thể diễn lại những “cảnh quay” ở trường


Mặc dù chưa biết cách diễn đạt những gì mình trải qua một cách rõ ràng, trẻ em có khả năng quan sát, ghi nhớ và thể hiện lại câu chuyện rất tốt. Bố mẹ có thể thường gặp cảnh con bắt chước những câu y hệt bố/ mẹ, cả ngôn ngữ và giọng điệu: “Ăn nhanh lên, không là muộn học đấy”, “Nín đi, khóc gì mà khóc lắm thế”…


Chỉ cần một trò chơi nhỏ: “Con là cô giáo nhé, mẹ là học sinh.” “Con là cô giáo nhé, em Gấu bông là học sinh”, bố mẹ có thể được xem những cảnh con đã thấy, đã nghe ở trường.


“Cô dạy cho các con bài Kéo cưa lừa xẻ nhé, chúng mình có thích không nào? ” – Tôi thấy con gái mình nói y hệt cô giáo đang giảng bài khi con giả vờ là cô giáo, còn em gấu bông là học sinh.


Bố mẹ cũng có thể thêm vào những tình huống cho em học sinh búp bê và “cô giáo”. Em búp bê nói: “Con không muốn ăn đâu!”, “con chưa buồn ngủ”… để xem “cô giáo” sẽ xử lý như thế nào.


Với con, đóng vai như vậy chỉ là một trò chơi nhưng thông qua đó, bố mẹ sẽ hiểu được những gì đang diễn ra với con.


4. Dạy con về cảm xúc và biểu đạt cảm xúc


Trẻ em trải nghiệm nhiều cảm xúc, từ buồn bã, giận dữ, sợ hãi, hoảng hốt… Bằng cách chú ý đến con và giao tiếp với con về những cảm xúc con đang trải qua, con sẽ biết cách nhận biết và biểu đạt cảm xúc của mình.


Chẳng hạn, khi con hét lên vì bị cướp đồ chơi, con thất vọng vì không được đi công viên trời mưa, bố mẹ hãy giúp con gọi tên cảm xúc của mình, lý do con cảm thấy như vậy: “Con thấy tức giận vì anh Bin lấy đồ chơi của con phải không…” Tương tự như vậy, bạn có thể giải thích cho con về cảm xúc mình đang trải qua: “Mẹ xin lỗi, mẹ đã quát to với con vì mẹ đang rất giận dữ. Mẹ đã muộn giờ làm mà con vẫn chưa chịu dậy”…


Khi đọc sách, hãy cùng con thảo luận về tâm trạng của các bạn trong sách: Bạn Heo mập cười tươi thế, bạn ấy đang vui à, vì sao bạn ấy vui nhỉ? Con có biết vì sao bạn Gấu lại buồn không?


Khi con đã biết cách nhận biết cảm xúc của mình và người khác, có một vốn từ nhất định để biểu đạt cảm xúc, bố mẹ có thể hỏi con:


- Khi con vui thì sao nhỉ? (con sẽ cười, nhảy nhót,..)


- Khi con buồn thì thế nào? (con xịu mặt xuống…)


- Thế còn tức giận (con trợn mắt, nhíu mày, hét lên…)


Đây là trò chơi thú vị và bố mẹ có thể ngạc nhiên khi con mình thể hiện vô cùng sống động về cảm xúc của chúng. Như thế, con có sẽ biết cách kể với bố mẹ về một ngày ở trường, chẳng hạn như “hôm nay con sợ lắm mẹ ạ” hay “cô giáo tức giận nên cô quát bạn Nấm đấy”…


Bằng cách thường xuyên giao tiếp như vậy, bố mẹ có thể hiểu những suy nghĩ, cảm xúc, những điều đang diễn ra trong cuộc sống của con. Cho dù không thể lúc nào cũng ở bên con giám sát, bố mẹ vẫn có thể phát hiện kịp thời những vấn đề con đang gặp phải và tìm cách xử lý.


Con chúng ta là nhân chứng sống động hơn cuộn băng video may mắn được quay lén trong việc tố cáo bạo hành. Bố mẹ hãy nhớ lấy điều này! Hãy chú ý khi giao con cho người khác và theo dõi từng thay đổi nhỏ của con, mỗi ngày!


Theo Seatime

0 nhận xét:

Đăng nhận xét