Quá
chiều trẻ và khiến trẻ bị thụ động
Nhiều, rất nhiều bố mẹ đang “bóp nghẹt” các kỹ năng sống cơ bản của con bởi cách yêu thương sai lầm: làm hộ con, can thiệp vượt quá nhu cầu lẫn mong muốn của con.
Chúng ta đang có lớp thế hệ trẻ không biết làm gì, được bố mẹ lẽo đẽo chạy theo phục vụ mọi lúc mọi nơi. Nhiều học trò sau khi rời trường học lại vùi đầu vào sách vở hoặc ôm lấy ipad, cơm bưng nước uống đến… tận miệng. Chỉ cần chìa chân là bố mẹ, hoặc người giúp việc giúp có mặt để đi giày dép hộ. Chìa cánh tay là có người đến cởi áo…
Yêu thương hay áp đặt?
Các ông bố bà mẹ đã trải qua một thời nghèo khổ nên khi có điều kiện, họ muốn bù đắp cho con, mong muốn con mình được hưởng thụ. Bên cạnh đó, còn xuất phát từ nhận thức sai lầm cho rằng đó là cách thể hiện tình yêu vô bờ bến với con cũng như quan niệm trẻ chỉ cần học giỏi. “Con tôi chả biết làm gì hết, chỉ được cái học giỏi” là niềm tự hào của rất nhiều ông bố bà mẹ.
Không có kỹ năng, khi vào đời trẻ chọn cách thu mình hoặc vùng vẫy trong khát vọng được tự lập. Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho hay, khi bố mẹ làm thay tất cả cho con đồng nghĩa với việc tước đi của con những trải nghiệm, kỹ năng và được sống là chính mình. Trong một cuốn sách của mình, chuyên gia Minh Huệ đã phải chọn tựa đề "Con muốn tự lập" đánh động đến người lớn khát vọng tự lập của trẻ em hiện nay.
"Đến một ngày, bố mẹ lại ngỡ ngàng trước sự lúng túng của trẻ. Còn trẻ sẽ bức bối trước sự o bế, sự chật chội, phụ thuộc vào vòng tay bố mẹ" - bà Huệ cảnh báo.
Nhiều gia đình “chữa cháy” bằng cách đầu tư tiền bạc đẩy con con đến các lớp học kỹ năng sống để trẻ biết tự gấp quần áo, xếp chăn màn, quét dọn… Nhưng rồi, đến các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cũng phải “đầu hàng” vì sau chương trình, khi trở về nhà các em lại được bố mẹ phục "xóa sạch" những điều ít ỏi học được.
Ngoài việc lo lắng cho con một cách thái quá, một chuyên gia tâm lý ở TPHCM phân tích phụ huynh làm tất cả phục vụ con còn nhằm thỏa mãn chính bản thân mình. Họ đang bộc lộ sự sở hữu, áp đặt, điều khiển con theo ý mình.
Khi đứa trẻ khù khờ, yếu kém, phụ huynh thường có xu hướng… đổ lỗi cho nhà trường. Trong khi, kỹ năng sống của trẻ trước hết phải bắt đầu từ trong môi trường gia đình. Việc trẻ được phục vụ thái quá sẽ lấy mất mọi kỹ năng sống của con trẻ cũng như tác động xấu việc phát triển tâm hồn, tính cách và khả năng của con.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét