Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Nhận biết và giáo dục để thay đổi hành vi cá biệt cho trẻ ngay khi con nhỏ

Thông thường, khi con cái đã có những biểu hiện quá đà, để lại hậu quả nghiêm trọng thì cha mẹ chúng mới chấp nhận con mình là những đứa trẻ "cá biệt". Khi đó, họ vẫn có thói quen đổ lỗi cho môi trường, do phim ảnh, do internet, hoặc do những đứa bạn cùng trang lứa của trẻ. Quả thực, tất cả những thứ đó cũng chỉ là một phần nguyên nhân, còn nguyên nhân chính vẫn là do phương pháp giáo dục sai lầm, sự nuông chiều, bảo bọc thái quá của các gia đình.
Có lẽ chúng ta chúng ta không còn lạ gì cảnh tượng một bà mẹ kiên nhẫn đứng đút từng chút thức ăn cho con mỗi sáng ở các cổng trường tiểu học, hay cảnh 1 đứa trẻ lăn ra ăn vạ để đòi một món đồ trong các siêu thị. Thực ra thì trẻ có thể  biết xúc ăn thuần thục từ khi chúng còn học ở mầm non vì hầu hết những cô giáo ở bậc này đều đã được biết cách giáo dục sự tự lập cho trẻ trong các giáo trình được học từ khi còn học trung cấp mầm non. Nhưng vì xót con, các bậc phụ huynh vẫn sẵn sàng nuông chiều và thỏa hiệp trước những đòi hỏi của trẻ bởi không đủ kiên nhẫn chờ đến khi chúng tự nguôi ngoai.



Chính sự nuông chiều, bảo bọc thái quá đã làm cho trẻ trở nên ích kỷ, muốn gì là phải đòi bằng được và ỷ lại vào người khác. Từ những điều ấy đến các hành vi “cá biệt” là một bước không xa.
Làm thế nào để biết được trẻ đang trở nên cá biệt từ nhỏ?
Đầu tiên, hãy lưu ý đến khả năng tự lập của trẻ như tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, tự chơi đùa,...Nếu một đứa trẻ luôn bám lấy cha mẹ, luôn thụ động trong chuyện ăn uống và chỉ hoàn thành bữa ăn sau khi được đáp ứng đủ thứ điều kiện, hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ bất chấp các giới hạn thời gian để được tự do thỏa mãn mọi ý muốn, thường bộc lộ thái độ ích kỷ, luôn giành miếng ngon, phần hơn, không biết chia sẻ thì đó là những “yếu tố nguy cơ” mà chúng ta cần phải lưu tâm, đừng để đến khi trẻ bắt đầu trở nên “ương ngạnh” và “độc tài” thì mới loay hoay tìm biện pháp để răn đe, sửa chữa.
Khi đó, sự giáo dục trẻ ở thời điểm này cần một chuỗi tác động thường xuyên, lâu dài. Phụ huynh cần thiết lập lại một cuộc sống nền nếp, kỷ luật trong gia đình. Hãy lập một thời gian biểu trong ngày cho trẻ, từ việc học hành đến vui chơi của trẻ đều phải ràng buộc trong những khoảng thời gian cố định. Cần hướng dẫn để trẻ dần dần chủ động hơn trong sinh hoạt cá nhân lẫn việc phụ giúp cha mẹ làm việc nhà. Nên có những quy định đơn giản nhưng kiên quyết trong việc mua sắm đồ chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ cũng như tập cho chúng biết chia sẻ những món đồ mà mình có với người thân, bạn bè của mình.

Việc động viên, khen ngợi những cố gắng, những việc làm tốt của trẻ dù nhỏ nhặt, đơn giản nhưng cũng có những hiệu quả rất lớn. Chúng ta giáo dục để giúp trẻ dần dần có những hành vi tốt thay cho các thói quen xấu chứ không phải dùng quyền người lớn để trấn áp hành vi của trẻ. Yếu tố “kiên nhẫn”, “quan tâm”, “đồng hành” để trẻ thay đổi dần dần luôn là điều quan trọng nhất. Và, chỉ khi nào cha mẹ nhận ra đó là trách nhiệm của mình và có được sự thay đổi trong cách ứng xử với trẻ thì trẻ mới có thể thay đổi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét