Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Chọn nghề và nỗi lo thất nghiệp

              Xu hướng phát triển ngành nghề hiện nay ngày một phức tạp , điển hình những năm 2000 , xây dựng là ngành hot , vô cùng phát triển và được nhiều bạn trẻ theo đuổi thì hiện nay đây lại là ngành đang đi xuống và có tỉ lệ thất nghiệp khá cao . Ngược lại ngành sư phạm mầm non lại đang có chiều hướng đi lên sau nhiều năm không được coi trọng , tỉ lệ đầu vào các trường cao đẳng , trung cấp mầm non gần đây tăng cao . Sự thay đổi đến chóng mặt xu hướng phát triển ngành nghề đã khiến cho các bạn học sinh , sinh viên hoang mang và ngập ngừng cho bước đi tiếp theo của mình .



Không những vậy , ngay cả đối với những ngành được đánh giá là “sang” như Tài chính, Ngân hàng,…hiện nay đã không còn nhu cầu cao về nguồn nhân lực . Trong khi đó, một số ngành như sư phạm mầm non, tiểu học dù hàng năm số lượng các bạn trẻ tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm mầm non là rất nhiều nhưng lại luôn thiếu nhân lực do đặc thù ngành này được đánh giá là khá vất vả,giờ làm việc nhiều , không ổn định lại đi kèm với trách nhiệm vô cùng lớn và nặng nề… Chính vì vậy, tâm lý chung của không ít các bạn trẻ là  “ám ảnh” về khả năng thất nghiệp khi quyết định chọn nghề .

Băn khoăn nỗi lo thất nghiệp


                          




Nguyễn Văn Tuấn, HS lớp 12 ở quận Hai Bà Trưng - HN cũng đang gặp phải tình trạng mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải , đó là loay hoay giữa hai lĩnh vực. Tuấn nói, mình yêu thích và đủ khả năng thi vào ngành kiến trúc của một trường top trong ngành .  Nhưng Tuấn quen nhiều anh chị học nghành này , ra trường nhiều năm vẫn đang vất vả tìm việc hoặc việc không vừa ý và ngoài chuyên môn , khuyên Tuấn… đừng ảo tưởng về ngành nghề tưởng là hot này. Vì vậy cậu hoang mang nghĩ vài năm ra trường thất nghiệp nên đang cân nhắc thi vào ngành nhu cầu cao hơn như Kỹ thuật hoặc Sư phạm rồi sau này tính tiếp. “Em xác định được ngành nghề mình yêu thích cũng như khả năng nhưng không dám liều. Ra trường kiếm được việc làm mới là điều quan trọng nhất”, Tuấn bộc bạch.

Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp, khó kiếm việc làm những năm gần đây đã tác động lớn đến việc lựa chọn ngành nghề tương lai của học trò. Không những bản thân các em lo lắng mà phía phụ huynh cũng có xu hướng khuyến khích con vào những ngành nghề có nhu cầu cao. Mặt tích cực cho thấy việc chọn nghề đã thực tế hơn, giảm được tình trạng “đi trên mây” nhưng có thể lại xảy ra thực trạng chọn nghề theo kiểu “coi nhẹ” khả năng, đam mê.

Hãy tự tin vào quyết định của mình !





Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM cho hay, trước đây thí sinh thường băn khoăn mình không đủ khả năng, điều kiện để chọn ngành nghề nào đó. Nhưng gần đây có nhiều trường hợp bối rối do có điều kiện theo đuổi ngành nghề mình yêu thích nhưng không e ngại khả năng ra trường khó có việc làm.

Ông Tuấn cho hay, thị trường lao động TPHCM trong những năm tới, các ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực khác nhau. Dự báo giai đoạn 2015 -2015 và đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM mỗi năm có khoảng 260.000- 270.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới.

Tổng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế- Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm 33%, nhóm ngành Khoa học tự nhiên chiếm 7% và các nhóm ngành khác chiếm 3-5%.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thị trường lao động TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong những năm tới sẽ mở rộng hơn nhưng tính cạnh tranh ngày càng cao. Người ta không quan tâm nhiều tới số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng nhân sự có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng không.

“Nếu các bạn xác định rõ được ngành nghề mình yêu thích, có khả năng thì không có gì phải sợ. Khi theo đuổi công việc nào, các bạn phải thật sự nỗ lực. Doanh nghiệp sẽ đòi hỏi người lao động các yếu tố về chuyên môn, thái độ, kỹ năng, khả năng tư duy”, ông Tuấn nói.

Để xác định nên “liều” với một ngành nghề nào đó hay không, thí sinh cần xác định rõ khả năng, điều kiện cũng như đam mê của bản thân. Còn bạn từ bỏ ngành nghề mình thật sự yêu thích lái sang lĩnh vực khác sau này dễ rơi vào bi kịch theo học nghề mình không có khả năng, không yêu thích.

Một điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia nhân sự chính là việc hướng nghiệp chưa hiệu quả, các bạn trẻ chọn nghề theo cảm tính, dễ ngộ nhận mình yêu thích công việc nào đó rồi lao theo bằng được. Một khi đặt tình yêu không đúng chỗ thì việc “liều” cũng phải trả giá đắt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét