Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Học sinh kém tiếng anh , lý do vì sao ?

Cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh rằng: “Thi Ngoại ngữ bắt buộc là thông điệp cho toàn xã hội, rằng từ nay, ngoại ngữ quan trọng không kém Toán, Văn. 
Chúng ta không được quên là bây giờ Việt Nam thực chất là một bộ phận của nền kinh tế thế giới rồi. Chúng ta đảm bảo đào tạo con em chúng ta tới đây phải là công dân toàn cầu. Có những người ví von là bây giờ mà ɫhông biết Ngoại ngữ giống như ra trận mà không có súng”.
Quan điểm của Phó Thủ tướng đã được đông đảo dư luận ủng hộ, bởi thời gian qua có hàng nghìn học sinh khi đã tốt nghiệp PTTH vẫn rất kém tiếng Anh, thậm chí khi tốt nghiệp đại học vẫn không thành thạo tiếng Anh. 
Để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao nhiều học sinh chưa giỏi tiếng Anh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ của bà Laura Ann Murphy - Phó Giám đốc Chương trình Quốc tế Trường Trung học Wellspring (người có nhiều năm kinh nghiệm làm Giáo viên tiếng Anh ESL cho các trường Quốc tế tại Việt Nam và Văn học Anh cho các trường phổ thông tại Hoa Kỳ).
Chào bà Laura! Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Theo kinh nghiệm giảng dạy của bà thì vì sao người Việt Nam nói chung và nhiều học sinh Việt Nam học mãi mà không giỏi tiếng Anh?
Bà Laura Ann Murphy -  Trường Trung học WellspringTôi cho rằng học sinh Việt Nam đang học tiếng Anh đều có những nỗ lực và thành quả nhất định đáng ghi nhận. Tôi cũng cho rằng việc chuyển dịch tiếng Việt sang tiếng Anh là rất khó, vì hai ngôn ngữ này rất khác nhau. Hầu hết những người học ngoại ngữ đều chịu ảnh hưởng của hai vấn đề chính là thiếu và không có điều kiện thực hành tiếng hiệu quả.
Để hiểu được tiếng Anh, bạn cần phải được cọ sát với nhiều chủ đề đa dạng. Hầu hết phụ huynh và học sinh Việt Nam mới chỉ quan tâm đến viêc con cái mình học đến trang nào, phần nào so với các bạn cùng lứa mà quên đi rằng đó không phải là cách đúng để khuyến khích con học.
Cách tốt nhất để có thể tiếp thu được ngôn ngữ hiệu quả là phải tập trung nâng cao khả năng của từng học sinh. Điều này có nghĩa rằng các bạn có thể học rất chậm nhưng nội dung học cần có sự tiếp cận các chủ đề khác nhau trong tiếng Anh chứ không chỉ học hết sách nọ sách kia để qua được các kỳ thi.


Yếu tố quan trọng thứ hai là việc thực hành. Học sinh chỉ sử dụng tiếng Anh ở trường hoặc với người nước ngoài, nhưng thực tế là nếu bạn muốn dùng tiếng Anh thành thạo, bạn phải có cơ hội sử dụng nó nhiều hơn cả lúc ngoài trường học. Tôi biết đây là một hạn chế rất lớn của học sinh Việt Nam.
Đó là vì được học ngoại ngữ quá muộn hay do phương pháp học sai?
Bà Laura Ann Murphy: Tôi nghĩ là do cả hai nguyên nhân, nhưng có lẽ vấn đề nằm nhiều ở phương pháp, như tôi đã nói ở trên.
Nhiều gia đình ở Việt Nam hy vọng con em mình sẽ học giỏi ngoại ngữ để có cơ hội tìm kiếm các học bổng du học. Bà có thể chia sẻ các phương pháp giúp con họ giỏi ngoại ngữ?
Bà Laura Ann Murphy: Tôi khuyên các bạn nên là những học sinh tích cực trong lớp. Bạn không nên chỉ lắc đầu nếu bạn không hiểu hoặc không biết điều gì. Hãy đặt câu hỏi thường xuyên chính là cách tốt nhất để học. Cố gắng sử dụng tiếng Anh hàng ngày, nghe nhạc hoặc xem chương trình ti vi bằng tiếng Anh. Đối với môn viết thì học sinh cũng có thể có một cuốn nhật ký để viết lại những việc làm hoặc suy nghĩ hằng ngày của mình, hoặc thậm chí có thể viết ra những câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình.
Ngoài ra, thói quen đọc sách cũng hỗ trợ rất tốt, nó là chìa khóa để làm được những việc trên. Nếu một đứa trẻ bắt đầu đọc sớm thì chúng cũng học được nhiều từ mới, ngữ pháp và thực  hành nói tiếng Anh sớm hơn. Tôi luôn khuyến khích học sinh của mình đọc càng nhiều sách tiếng Anh càng tốt.
Theo bà, ở độ tuổi nào thì trẻ tiếp thu ngoại ngữ nhanh nhất?
Bà Laura Ann Murphy: Trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt.
Hiện nay các trung tâm anh ngữ tại Việt Nam đang dạy các chương trình khác nhau, vậy phụ huynh làm thế nào để có thể định hướng tốt nhất cho con mình, để học được một chương trình xuyên suốt mà không bị ngắt quãng, để cuối cùng con họ có thể hòa nhập tốt tại các trường phổ thông hoặc đại học ở Mỹ hoặc Anh?
Bà Laura Ann Murphy: Không có giáo trình nào là đúng hay chuẩn cả. Quan trọng là học sinh có được học đúng trình độ của mình không. Tôi biết rất nhiều trung tâm sử dụng giáo trình khó để phụ huynh yên tâm, tuy nhiên việc này không có ích lợi gì. Học sinh phải được học đúng trình độ thì mới có được sự tự tin và hứng thú với môn học.
Điều gì bà thấy khó nhất khi dạy ngoại ngữ cho học sinh Việt nam?
Bà Laura Ann Murphy: Tôi thấy ở Việt Nam rất khó để khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Đặc biệt trong tiếng Anh, cách tốt nhất để học là phải chủ động và sáng tạo thì lại càng khó, mặc dù tôi hiểu rằng đó không phải là cách truyền thống ở Việt Nam. 
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này! Chúc bà luôn làm tốt công việc của mình, giúp cho nhiều học sinh của Việt Nam học thật giỏi tiếng Anh.

Theo giaoduc.net.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét