Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Bằng cấp có thực sự quá quan trọng ?

Ngày xưa , để có được tấm bằng đại học không phải là điều dễ dàng , tỷ lệ cử nhân còn thấp , những ai có bằng đại học đều có thể tự hào với những người thân , những đồng nghiệp của mình .  Nhưng trong hơn khoảng chục năm đổ lại đây , việc học đại học hay cao đẳng không còn là điều quá xa với và khó khăn với các bạn trẻ , việc nhà nước và bộ giáo dục mở thêm nhiều trường đại học , nhiều ngành học đã giúp cho cơ hội được bước chân tới giảng đường của các bạn dễ dàng và thuận lợi hơn . Nhưng ngoài những mặt tích cực , điều này cũng đem lại 1 số mặt xấu và hệ lụy .

Thế hệ trẻ hiện nay quá tự tin vào bằng cấp và kén việc
Thị trường việc làm ở Việt Nam hiện nay đang bão hòa , tình trạng thừa nhân lực tại 1 số ngành như quản trị ,kế toán … diễn ra trong nhiều năm gần đây nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa nhận thức đúng được giá trị của bằng cấp , về khả năng của mình . Nhiều bạn đã tin rằng, bằng cấp trong nhà trường là mấu chốt cho sự cạnh tranh việc làm , càng nhiều bằng, bằng cấp càng cao hoặc xếp loại càng tốt thì càng được các nơi tuyển dụng chào đón. Thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Nhiều công ty hiện nay rất ngại tuyển dụng những bạn có bằng cấp cao vì họ không dám chắc các bạn sẽ gắn bó lâu dài cho họ, họ sợ tâm lý thích nhảy việc, hay đòi hỏi cao và luôn bất mãn về công việc bạn làm không tương xứng với bằng cấp của bạn. Điều này dễ gây ra sự mất ổn định trong hệ thống trong công ty , gây thiệt hại không nhỏ cho công ty của họ .
1 giảng viên của 1 trường đại học uy tín của Hà Nội từng trả lời tôi rằng :
Từng giới thiệu việc làm cho sinh viên của mình, tôi cũng gặp nhiều tình huống "dở khóc, dở mếu". Có em mới tốt nghiệp đại học 1 trường khá danh tiếng , tôi thấy khả năng tư duy rất ổn, giao tiếp tự tin , thành tích học tập khá tốt nên cũng giới thiệu em vào vài chỗ cũng vừa phải nhưng tương lai có khả năng phát triển, em thì từ chối từ đầu. Tìm hiểu sâu xa thì tôi được biết em chê mấy chỗ đó do không xứng với bằng cấp của mình,chê lương thấp và đãi ngộ không tốt , kết quả là đã cả năm qua , em ấy vẫn đang thất nghiệp ở nhà .
Em khác vào làm mấy bữa thì bạn bè, người quen thì lại kêu trời vì thái độ không chịu học hỏi, luôn tỏ ra là mình biết (dù thực sự không biết), quan trọng hơn, em đó thể hiện luôn ý định chỗ này là làm tạm, có chỗ tốt hơn sẽ nghỉ việc ngay. Có em thì mới vô đã bất mãn vì bị sai vặt, nghĩ rằng mình giỏi hơn người , bằng cấp hơn đồng nghiệp nên không đáng phải làm những việc đó . Có em chê đồng lương mấy chỗ làm đó "rẻ bèo", "chết đói", nên thà thất nghiệp, về quê "ăn bám" bố mẹ chứ không nhận việc vì "mất giá trị tấm bằng". Lý do thất nghiệp chung của các em đều là không có kinh nghiệm làm việc, nhưng quá tự tin vào khả năng của mình , vào tấm bằng mà mình đang có .




Thực chất, bằng cấp chỉ là một tờ giấy thông hành giúp bạn trẻ bước qua  vòng đầu tiên để gặp nhà tuyển dụng chứ nó không bảo đảm rằng chắc chắn họ sẽ đảm nhận tốt công việc được giao bởi vì chương trình đào tạo trong nhà trường chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị cho bạn tham gia vào các công việc cụ thể trong thực tế. Để đáp ứng yêu cầu cụ thể của các công việc đa dạng trong thực tiễn đó, bạn trẻ cần được chính nơi sử dụng lao động đó đào tạo lại và bản thân cũng cần nỗ lực học việc không ngừng.
 
Nhiều nhà tuyển dụng tuyên bố rất rõ ràng: nhận một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hay có bằng thạc sĩ mà không chút kinh nghiệm làm việc gì, họ luôn phải mất ít nhất 3 tháng để hướng dẫn, đào tạo lại sinh viên đó làm những công việc đơn giản nhất ở vị trí mà người đó đang giữ. Ba tháng đó vẫn phải trả lương trong khi họ tốn chi phí đào tạo, chi phí rủi ro (do nhân viên chưa quen việc có thể sai sót), và họ cũng không thể đảm bảo với những chi phí bỏ ra như vậy người đó có làm việc lâu dài cho họ hay không. Trong khi đó, với công việc đó họ chỉ cần tuyển dụng những sinh viên có thể chỉ tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp vẫn có thể đáp ứng tốt và những người này luôn đảm bảo được sự gắn kết lâu dài với công ty...




Ở nước ngoài, việc sinh viên săn tìm các cơ hội thực tập sinh từ trước khi bước vào năm học cuối ở đại học là khá phổ biến. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cũng mở rộng cơ hội này cho sinh viên nhưng đương nhiên họ phải trải qua rất nhiều vòng xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn, kiểm tra trình độ. Thông thường, làm thực tập sinh, sinh viên chỉ được nhận mức lương "gọi là", hoặc đơn giản chỉ hỗ trợ tiền ăn trưa, đi lại, có khi hoàn toàn không có khoản tiền nào nhưng các bạn ấy vẫn phải làm đến vắt kiệt sức để có thể được đánh giá tốt vào hồ sơ hoặc có cơ hội nhận được lời đề nghị làm việc (job offer) sau khi tốt nghiệp. Cái bằng của trường đại học danh tiếng cũng có khi chẳng nghĩa lý gì nếu bạn trẻ không thể hiện được bản thân trong các vòng thi và quá trình thực tập.
Nói một cách đơn giản, hiện nay, đa số nhà tuyển dụng cần những người làm được việc, do đó, thay vì chỉ chăm chăm vào việc lấy được bằng cấp, các bạn trẻ nên chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn và tận dụng mọi cơ hội được tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Các bạn nên tìm cho mình 1 môi trường đào tạo phù hợp, mà ở đó cơ hội học tập thực tiễn cuộc sống cao hơn, chứ không chỉ là trên giấy tờ, sách vở.
Chúc các bạn thành công!




0 nhận xét:

Đăng nhận xét