Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Ngôi trường cho người khuyết tật

Sau 17 năm hoạt động, Trung tâm hướng nghiệp từ thiện Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) TP Ðà Nẵng trở thành mái nhà thứ hai của hàng trăm trẻ mồ côi, khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Các em đến đây được vui chơi, học nghề miễn phí, nhiều em đã trưởng thành được tạo công ăn việc làm ở gia đình hoặc các doanh nghiệp.





Tiếp nhận cơ sở từ một tổ chức dạy nghề nhân đạo ngắn hạn cho thanh niên khó khăn của Hà Lan ở số 283 đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn (Ðà Nẵng), năm 2005, Trung tâm hướng nghiệp từ thiện Hội CTÐ TP Ðà Nẵng chính thức đi vào hoạt động, mỗi năm nhận khoảng 50 đến 60 em học nghề. Các em vào đây có hoàn cảnh khác nhau. Em mồ côi cha, em mồ côi mẹ, em mất cả cha lẫn mẹ, có em còn cha mẹ nhưng hoàn cảnh quá khó khăn... Trong số đó, không ít em bị câm điếc, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn vận động. Việc dạy và truyền nghề đối với các em đòi hỏi sự kiên trì, yêu nghề.
Tập thể lãnh đạo Trung tâm đã tìm ra những phương án tốt nhất tạo điều kiện cho các em đến học nghề. Giám đốc Trung tâm Lê Tấn Hồng bộc bạch: Ngày đầu tiếp quản cơ sở, kinh phí có hạn chúng tôi chỉ dám nhận khoảng 25 em. Tận dụng tối đa những gì đã có của cơ sở cũ, Trung tâm phân chia thành khu học nghề gồm bốn lớp, nhà ăn, nhà vệ sinh, khu sinh hoạt chung và khu lưu trú học sinh nam, nữ, cùng mảnh vườn nhỏ để các em tăng gia rau xanh phục vụ cuộc sống. Năm 2006, nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ và tỉnh hội, cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể, Trung tâm bắt đầu nhận thêm học sinh. Ðể cải thiện đời sống cho các em, lãnh đạo Trung tâm chủ động liên hệ các cơ sở, nhà chùa... tạo thêm việc làm, bán hàng lấy kinh phí phục vụ công tác đào tạo.
Nhiều em khi vào Trung tâm không được học hoặc chưa học hết THCS, nên ý thức kỷ luật và nhận thức không cao. Việc dạy nghề, truyền nghề không chỉ bằng lý thuyết mà phải "cầm tay chỉ việc". Ngoài thời gian học nghề, Trung tâm tranh thủ sự hỗ trợ của câu lạc bộ sinh viên tình nguyện tổ chức dạy văn hóa mỗi tuần bốn đêm cho các em. Các sinh viên đến Trung tâm dạy văn hóa, tổ chức các buổi giao lưu, hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử và kỹ năng sống cho các em... Bằng sự tận tâm của đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên, ý thức xã hội, công việc của các em được nâng lên. Nhiều sản phẩm do các em làm ra được xã hội công nhận và ký hợp đồng thu mua dài hạn. Từ năm 2010 đến nay, khoảng 30 em đã được các doanh nghiệp, cửa hàng tư nhân nhận vào làm việc. Em Lê Thị Lệ Hằng, hiện làm tại Công ty may thêu xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh. Em Nguyễn Thị Liên, bị khuyết tật hai tay, sau một thời gian học nghề may tại Trung tâm, được cửa hàng thời trang Cẩm Tiên, ở số 9 đường Ðỗ Thúc Tịnh, quận Lê Chân (Ðà Nẵng) nhận vào làm, với mức lương 2,4 triệu đồng/tháng. Ðể giúp Liên, Trung tâm tặng em chiếc máy may và cho em ở luôn tại Trung tâm.
Ðến thăm lớp làm hương, chúng tôi chứng kiến nghị lực của cô "lớp trưởng" Lê Thị Mỹ Ái, ở xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), một học sinh bị teo cơ khó phát âm. Ðầu tháng 12-2002, Ái được nhận vào Trung tâm. Những ngày đầu thật khó khăn. Nhưng sau hai năm kiên trì dạy và học, đến nay Ái đã trở thành thành viên tích cực của lớp, số lượng hương làm ra của Ái ngày một tăng lên từ 4 kg hương tương đương tám bó, lên 6 kg tương đương 12 bó. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy lớp làm hương cho biết: Không phải em nào cũng có khả năng tiếp thu được như Ái. Có những em khi vào đây, Trung tâm phải bố trí học các lớp khác nhau để xem phù hợp công việc gì, sau đó mới tính chuyện học lâu dài. Ðiển hình như Võ Ðức Hiếu, ở quận Thanh Khê, bị bệnh teo não, gia đình rất khó khăn, Hiếu học trước quên sau. Nay qua lớp học làm hương, cô và các bạn thường xuyên phải động viên mỗi khi Hiếu làm đúng động tác.
Qua bảy năm dạy may ở Trung tâm, cô Lê Thị Tuyết, giáo viên dạy nghề may hiểu rất rõ tâm lý, khuyết tật của từng học sinh. Cô đã đào tạo được 12 em có tay nghề vững vàng tự mở cửa hàng và được các doanh nghiệp tiếp nhận, có thu nhập cho bản thân. Cũng từ nơi đây, nhiều cặp bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng.
Vất vả là vậy, nhưng trong bữa cơm trưa đạm bạc có đĩa cà muối, đĩa trứng rán, đĩa thịt kho và bát canh bí của các thầy giáo, cô giáo sau khi lo cho học sinh ăn, nghỉ trưa, nỗi băn khoăn của họ vẫn còn hiện hữu. Bởi tới đây, theo quy hoạch của TP Ðà Nẵng, Trung tâm cùng cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật kế bên sẽ phải chuyển đến nơi khác. Nơi mới lại cách xa Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, trong khi đó bệnh tình ở trẻ khuyết tật rất khó đoán. Các thầy giáo, cô giáo Trung tâm chỉ mong sao, nơi mới đến được bố trí gần cơ sở khám, chữa bệnh, có thể cứu chữa các em kịp thời khi có vấn đề xảy ra, để thầy trò yên tâm học tập.
Qua 17 năm hoạt động, đến nay Trung tâm hướng nghiệp từ thiện (Hội CTÐ TP Ðà Nẵng) đã có gần 300 lượt em được nhận nuôi và học các nghề in lụa, thêu, may, làm hương miễn phí. Từ nơi đây, nhiều em đã trưởng thành có công ăn, việc làm ổn định trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Theo nhandan.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét